Chào mừng bạn đến với Trang Du lịch huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái

Trạm Tấu từng bước đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn

18/10/2023 3:21:00 CH

2929: view

Du khách checin tại võng lúa, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

 

Những ngày này, homestay của gia đình chị Đinh Thu Hà ở tổ 2, thị trấn Trạm Tấu luôn tấp nập khách. Mặc dù mới khai trương được hơn 2 tháng nhưng homestay này đã được nhiều du khách biết đến bởi sự tận tình, mến khách. 

Chị Hà chia sẻ: "Nắm bắt xu hướng khách thích du lịch trải nghiệm, gia đình tôi đã xây dựng homestay với 6 phòng ngủ khép kín, được thiết kế vừa hiện đại song vẫn mang sắc thái dân tộc bản địa. Các món ăn đều được chế biến từ những sản vật địa phương như: khoai sọ nương, gà đen, măng ớt, cá suối, lợn bản, rau rừng và chúng tôi đều đặt tại các địa chỉ uy tín. Vì vậy, du khách rất hài lòng đã trở lại, đồng thời giới thiệu cho người thân, bạn bè. Homestay đã đóng tiếp gần 800 khách chỉ trong 2 tháng”. 

Để du khách biết đến, chị Hà cũng đã giới thiệu homestay của gia đình trên Facebook, Zalo, trên trang thông tin điện tử của huyện. Chị Nguyễn Thu Trang - du khách đến từ phố cổ Hà Nội cho biết: "Được bạn bè giới thiệu nên tôi đã rủ 3 ngươi bạn cùng đến đây trải nghiệm. Quả thật, ở Trạm Tấu, không khí rất dịu mát, nhà nghỉ đẹp, món ăn ngon, cảnh quan thật là tuyệt vời! 3 ngày 2 đêm chúng tôi đã đi được rất nhiều địa điểm như: võng lúa, đồi thông Eo Gió, thác Tà Xùa, suối khoáng nóng, thật thú vị. Có dịp, tôi sẽ quay trở lại”.   

Thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã tăng cường khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách. Hiện huyện đã có trên 20 cơ sở lưu trú, homestay, nhà nghỉ, khách sạn với trên 230 buồng, phòng tập trung ở thị trấn Trạm Tấu, xã Hát Lừu, xã Phình Hồ.

Cùng với đó, tại các địa điểm du lịch trải nghiệm, nhiều hộ đã xây dựng các lán nghỉ phục vụ ăn uống tạo các điểm dừng chân cho du khách. Anh Thào A Páo, chủ lán nghỉ tại đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ- được mệnh danh là "nóc nhà Yên Bái" với độ cao 2.979m so với mực nước biển, cho hay: "Gia đình tôi đã làm trại chăn nuôi trên đỉnh Tà Chì Nhù cách đây gần 20 năm nay, đã rất am hiểu cung đường, đồng thời cũng đã được tham gia nhiều lớp tập huấn về phát triển du lịch của huyện. Vì vậy, năm 2020, tôi đã xây dựng lán nghỉ phục vụ du khách. Mỗi năm gia đình phục vụ hàng nghìn khách. Hiện chúng tôi đã kết nối với hàng chục công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh phục vụ khách du lịch”. 

Tại các lán nghỉ, anh Páo cũng bố trí các porter người bản địa, giao tiếp tốt, vừa là người dẫn đường, hỗ trợ  các đoàn, khuân vác đồ ăn, balo, nấu nướng đảm bảo du khách được thoải mái, thuận tiện nhất. 

Du khách tại homestay của gia đình chị Đinh Thu Hà ở tổ 2, thị trấn Trạm Tấu.

Với khí hậu vùng cao quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, có nhiều đỉnh núi cao như: đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa thích hợp du lịch mạo hiểm; có thác nước Háng Đề Chơ được ví như "Đệ nhất thác Tây Bắc", có thác Tà Xùa, đồi thông Eo Gió, bản Cu Vai và có trữ lượng nguồn nước khoáng nóng dồi dào… , năm 2022, huyện Trạm Tấu đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trạm Tấu đã được định hướng phát triển du lịch với 4 phân vùng du lịch trọng điểm, gồm: phân vùng trung tâm động lực phát triển "Trung tâm hậu cần du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng” tại thị trấn Trạm Tấu, xã Hát Lừu; phân vùng động lực cửa ngõ "phát triển sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch gắn với nông nghiệp” tại 3 xã: Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng; phân vùng "phát triển du lịch văn hóa - cảnh quan” tại các xã: Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù; phân vùng du lịch gắn với nông nghiệp "Trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp - khai thác đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững” tại 4 xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 đón 120 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 30 nghìn khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 197 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 240 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 60 nghìn khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 658 tỷ đồng.

Triển khai Đề án, huyện Trạm Tấu đã nâng cao nhận thức, tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong phát triển du lịch; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời tổ chức các dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. 

Những hoạt động cụ thể hóa đã được tổ chức và duy trì như đêm văn nghệ tối thứ Bảy hàng tuần tại Công viên đồi thông Eo Gió để quảng bá các nét đẹp văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn; phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thành công Giải leo núi "Bước chân trên mây” và tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu năm 2023 thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp, điểm du lịch độc đáo của vùng cao Trạm Tấu...

Những nỗ lực đó đã tạo dựng một hình ảnh du lịch Trạm Tấu rất riêng và đặc sắc, thu hút tới 108.921 lượt khách du lịch đến Trạm Tấu trong 9 tháng qua, đạt 114,47% kế hoạch tỉnh giao, bằng 99% kế hoạch huyện và bằng 145,6% so cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng đạt trên 70 tỷ đồng, bằng 83,2% kế hoạch giao, bằng 128,8% so cùng kỳ.

Khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu là nơi hút khách

Đề ra mục tiêu tổng quát đồng bộ, chất lượng cao, đa dạng với các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, ẩm thực, nghỉ dưỡng khoáng nóng... ; trong đó, lấy nghỉ dưỡng suối khoáng nóng tạo điểm nhấn và yếu tố khác biệt nhằm khắc phục tính thời vụ, thu hút nhiều thị trường khách du lịch. Đó một trong những trọng tâm định hướng trong kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch mà Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng cho biết.   

Thúc đẩy hoạt động du lịch, phát triển kinh tế du lịch, thời gian tới,  huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, xây dựng website Du lịch huyện Trạm Tấu với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, từng bước xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với các xã trong huyện và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, mở rộng thị trường khách quốc tế sang châu Âu, châu Mỹ... 

Huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch mạo hiểm theo hướng kết nối các tour, tuyến nhằm thu hút và giữ chân các du khách; tập trung xây dựng thương hiệu du lịch đăc thù. 

Cùng với đó, Trạm Tấu cũng duy trì và phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa: biểu diễn nghệ thuật xòe Thái, múa dân tộc Mông, thành lập các đội văn nghệ quần chúng và chuẩn bị các điều kiện để du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng, xây dựng nhà văn hóa truyền thống, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề truyền thống phục vụ khách du lịch… Những nỗ lực đó sẽ đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa Trạm Tấu ngày một phát triển.

Theo Báo Yên Bái

Các tin khác

1-5 of 42<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  >

CÁC ĐIỂM DU LỊCH

Bản đồ du lịch

Du khách chia sẻ